Tin tức

Philippe Starck “Mở tung cánh cửa của tri thức loài người”

ghế ghost, nhà thiết kế nổi tiếng thế giới, kiến trúc công nghệ, nội thất..PHILIPPE STARCK, bàn ghế, ban ghe, noi that, nội thất

Trong bản tiểu sử về Philippe Starck viết bởi Jonanthan Wingfield vào năm 2010, Philippe Starck đã dùng các tính từ như “phá cách, có đạo đức, mang tính sinh thái, đầy chính trị, hài hước…” để miêu tả cách ông nhìn nhận nghĩa vụ của mình như một nhà thiết kế.

 

Philippe Starck Là một nhà phát minh, nhà sáng tạo, kiến trúc sư, nhà thiết kế, giám đốc chỉ đạo nghệ thuật, Philippe Starck dĩ nhiên rất giỏi đảm đương các cương vị trên, nhưng quan trọng hơn hết thảy ông là một con người thành thực mang trong mình dòng máu con nhà nòi của các nghệ sĩ thời Phục hưng.
Ông đã cho ra đời hàng ngàn dự án – hoàn thiện hoặc đang được hoàn thiện – Ông nổi danh toàn cầu và có khả năng sáng tạo mạnh mẽ, thiên biến vạn hoá. Nhưng không vì vậy mà Philippe Starck bị xao lãng khỏi những định hướng cơ bản của mình: sự sáng tạo, dù có ở bất cứ dạng nào đi nữa, cũng phải cải thiện cuộc sống của càng nhiều người càng tốt. Starck có một niềm tin mãnh liệt rằng, nghĩa vụ này vừa mang chất “thơ” và tính chính trị, vừa nổi loạn lại nhân đạo, vừa thực tế lại phá cách. Theo ông, nó là trách nhiệm nên được san sẻ bởi tất cả mọi người. Và với khiếu hài hước giúp tách biệt bản thân ra khỏi đám đông ngay từ đầu, Philippe Starck  đã kết luận rằng: “Chẳng ai phải là thiên tài, nhưng ai cũng phải cùng góp phần”. 

Thời ấu thơ đầy chất nghệ sĩ

 Philippe Starck chào đời vào năm 1949. Trong suốt khoảng thời gian thơ ấu trải qua dưới chiếc bàn thiết kế của người cha kỹ sư hàng không chuyên lắp ráp phi cơ, ông đã tiếp thu được một bài học cơ bản: mọi thứ nên được thiết lập một cách tao nhã và nghiêm túc, trong mối quan hệ giữa người với người cũng như tầm nhìn định hướng cho mỗi biểu hiện sáng tạo.  
Starck lần đầu tỏ rõ sự hứng thú với không gian sống khi ông còn là học sinh tại trường Ecole Nissim de Camondo, Paris, nơi mà vào năm 1969 ông thiết kế một ngôi nhà có thể bơm phồng lên được, dựa trên một ý tưởng về tính vật chất. Khám phá này đã mang đến thành công đầu tiên của ông tại Salon de l’Enfance. Không lâu sau đó, Pierre Cardin đã bị hớp hồn bởi những thiết kế mang tính biểu tượng của Starck và đã mời Starck về đảm nhiệm vị trí giám đốc nghệ thuật tại nhà xuất bản của ông.
Vào năm 1976 và sau khi thiết kế một vài sản phẩm tượng trưng, bao gồm chiếc đèn bay để bàn và bảng hiệu neon di dộng, anh chàng mơ mộng gan dạ này đã tạo ra một thiết kế táo bạo cho câu lạc bộ đêm La Main Bleue ở Montreuil – để chứng minh rằng: không có nơi gặp gỡ, tụ tập nào ít đứng đắn hơn nơi khác chỉ vì sự lập dị của nó. Và ông tiếp tục với các thiết kế huyền thoại cho câu lạc bộ đêm Les Bains Douches và Starck club tại Dallas.
Cùng lúc đó, ông sáng lập công ty thiết kế công nghiệp đầu tiên của mình, Starck Product, sau này được đổi tên thành Ubik sau sự ra đời của quyển tiểu thuyết nổi tiếng của Philip K. Dick. Từ đây, ông bắt đầu hợp tác với nhà sản xuất thiết kế lớn nhất nước Ý – Driade Alessi, Kartell – và các nhà sản xuất khác trên thế giới như Drimmer ở Úc, Vistra ở Thuỵ Sĩ và Disform ở Tây Ban Nha, và nhiều nhà sản xuất khác nữa.
Vào năm 1983, công chúng phát hiện ra tài năng của Philippe Starck khi dự án của ông được Tổng thống Francois Mitterrand chọn để dùng cho việc trang trí lại những dinh thự tại điện Elysée (theo lời tư vấn của bộ trưởng văn hoá Jack Lang). Đó được coi như là một sự công nhận chính thức và trang trọng cho những thiết kế của Starck. Và năm sau đó, danh tiếng của ông đã lan ra khắp toàn cầu nhờ vào thành công của Café Costes, một địa điểm giải trí thiết thực và trang nhã, đó là nơi tập hợp tất cả các tinh hoa trong kiến trúc của Starck, đồng thời hội tụ với sự ra đời và phồn thịnh của cả một cộng đồng. Sự đổi mới trong quy chuẩn thiết kế quán càphê mang phong cách Parisian đã khiến Café Costes được tán dương là một quán càphê tuyệt hảo (The café par excellence).
 

Kiến trúc không gian sống

Nếu không có tầm nhìn, tính nhân văn, tính xã hội hay sự thương yêu thì một dự án chẳng có tí hợp pháp nào để tồn tại” Philippe Starck nói.
Dù ông có tự nhìn nhận bản thân là một nhà kiến trúc chẳng hơn gì một nhà thiết kế, nhưng vào năm 1989 Philippe Starck đã bắt đầu sáng chế ra các toà nhà tại Nhật Bản với hình dạng hoàn toàn mới lạ. Công trình đầu tiên được thực hiện ở Tokyo và đã gây rúng động vì tính nguyên bản của nó. Nani Nani là một toà nhà mang hình dạng con người cực kỳ ấn tượng được bao phủ bởi các vật liệu tiến triển theo thời gian. Kiến trúc của toà nhà được khai sinh từ luận điệu thuyết phục mạnh mẽ rằng mỗi sáng chế phải đầu tư vào một môi trường mà không làm huỷ hoại nó, trong khi vẫn duy trì được sự tôn trọng lớn nhất cho thuộc tính của nó. Giống như tất cả những công trình kiến trúc khác của Starck, toà nhà này mang đầy tính nhân văn một cách dứt khoát và mạnh mẽ.
Một năm sau đó, ông đã khẳng định được vị thế của mình như người tiên phong cho trường phái kiến trúc tiên tiến với thiết kế đại sảnh Asahi Beer tại Tokyo và sau đó là quần thể văn phòng tại Osaka, được biết đến với cái tên Baron Vert, vào năm 1992. Tại Pháp, ông được giao cho trọng trách thiết kế toà tháp điều khiển của phi trường Bordeaus (1997) và khu mở rộng của The Ecole Nationale Supérieure des Arts Décoratifs in Paris (1998). Jean Paul Gaultier đã tin tưởng vào trí tưởng tượng vượt trội của ông để tiếp nhận thiết kế phòng trưng bày tại London và New York, vào năm 2002 Philippe Starck đã thiết kế boutique cho Gaultier tại Paris. Qua năm tháng, tầm nhìn kiến trúc của ông được tái diễn một cách vô cùng tự nhiên qua hàng loạt dự án về nhà hàng, khách sạn.

Nhà hàng, khách sạn
Những nhà hàng do ông thiết kế tuy mỗi lần rất khác nhau, nhưng cách dựng cảnh của Philippe Starck đều liên hệ rất mật thiết với những yếu tố tạo nên linh hồn của chiếc đại sảnh, đồng thời tạo ra một cách tiếp cận thân mật hài hoà với các không gian phụ xung quanh. Điều này đem đến nét gợi cảm, sáng tạo và thi vị cho những nhà hàng mà ông thiết kế. Starck luôn có vẻ phởn phơ và lạc quan thường trực. Do đó, ông đối đãi với từng không gian sống như thể chúng là một sân khấu lớn nơi những câu chuyện bí ẩn được giấu khuất sau tấm màn nhung. Việc này đem lại cho những nơi ông thiết kế một chút kịch tính với những ý tưởng mang nét kỳ quái của ông. Ví dụ như nhà hàng Teatron ở Mexico, và đến nhà hàng Teatriz tại Mandrid được dựng nên trong một nhà hát kịch cũ chính là ví dụ rõ ràng nhất cho “hiện tượng kiểu Starck”. Ông bắt tay vào thực hiện quá trình đại tu cho nhà hát cổ của Paris tên La Cigale vào năm 1988. Và ngay sau đó, La Cigale tiếp tục trở thành thánh đường nghệ thuật yêu thích của các nhạc sĩ nhờ vào hệ thống âm thanh tuyệt đỉnh, không đâu sánh bằng.  
  “Không gian mà thiếu ý tưởng thì đúng là sự thất bại của con người”. Những tác phẩm mang tính biểu tượng của ông có mặt tại các thành phố lớn nhất thế giới như nhà hàng Bon I và Bon II, Mori Bar và Paradis du Fruit tại Paris và Katsuya ở Los Angeles, Mỹ, nhà hàng đầu tiên trong chuỗi nhà hàng Nhật. Rồi ở Moscow, ông triển khai Bon restaurant in Moscow. Tại Bắc Kinh ông thiết kế một nhà hàng đầy chất kịch nghệ rộng 6.000m2  tên Lan với đầy đủ đồ trang trí nội thất và chất liệu tạo nên không gian diệu kỳ đưa thực khách đi trên một chuyến hành trình đầy hư ảo. Theo ông, “không gian trống còn quan trọng hơn không gian được lấp đầy”.
Năm 1988, một năm mang tính quyết định với ngành khách sạn, khi Starck sáng chế ra định hướng và quy tắc thiết kế mới cho ngành khách sạn với dự án khách sạn Royalton ở New York. Chính tác phẩm này đã khẳng định lại rằng khách hàng mới chính là trung tâm của các thiết kế. Thí nghiệm này tiếp tục với khách sạn Delano ở Miami và Mondrian ở Los Angeles, rồi đến Saint Martin’s Lane và Sandero tại London. Khách sạn nay không chỉ là nơi ghé chân mà còn là nơi để sống, là không gian để tận hưởng. Đó là những sân khấu kịch nơi ta đóng vai chính cho vở kịch số phận của mình. Ông tiếp tục thực hiện giấc mơ của mình với khách sạn Hudson ở New York. Và đến năm 2001, khi sự phá cách lên đến cực điểm, ông đã mạnh dạn kết hợp những quy tắc thiết kế cổ điển với công nghệ cao cho khách sạn The Clift tại San Francisco – không một chút nghi ngờ đây là một trong những kiệt tác sáng tạo của ông.
Vào năm 2008, ông bắt tay vào dự án mang đầy tính rộng lượng và nhân văn tên The Mama Shelter. Đây chính là nơi mang trong mình những cái nhìn về giá trị xã hội của một quần thể văn hoá cởi mở được tạo ra trên nền tảng của sự gian khó, chân thực, hài hước, thông minh và đầy sự sẻ chia. 

Công việc thiết kế, công việc tận tuỵ đầy chất thơ 
“Mỗi sản phẩm, mỗi hình dạng, mỗi phong cách đều phải mang trong mình ý nghĩa, và chính ý nghĩa đó là thứ ảnh hưởng lên chúng ta mỗi ngày” Philippe Starck nói.
Philippe Starck từng thích thú kể lại rằng, chiếc bút chì là công cụ duy nhất, và cũng là thứ vũ khí giúp ông thay đổi cả thế giới. Ông cho rằng ai cũng xứng đáng có được điều tốt đẹp nhất, và việc đó thể hiện qua sự rộng lượng và cảm hứng giúp thoả mãn một cộng đồng cùng chia sẻ những giá trị này. Ông hồi tưởng lại những ngày đấu tranh “để gia tăng chất lượng, giảm giá và khiến cho ai cũng có thể sở hữu được sản phẩm. Không ai muốn tôi làm vậy cả, nhưng mỗi lần tôi hạ giá, tôi đồng thời nâng chất lượng và sản phẩm bán chạy hơn. Vì vậy mà các nhà sản xuất buộc phải theo tôi… Tôi chưa bao giờ ngừng cuộc vận động kêu gọi tiêu thụ sản phẩm để chứng kiến các sản phẩm hoàn hảo trở nên nổi bật, và sản phẩm chất lượng được làm ra để tồn tại”.   
Là một nhà thiết kế luôn đổi mới, Philippe Starck luôn tìm cách sửa đổi lại các vật dụng hàng ngày theo một cách vô cùng đáng kinh ngạc. Ông tập trung vào tính tiện dụng của sản phẩm để phục vụ ta một cách tốt nhất có thể, đồng thời gửi gắm thông điệp của mình về tính nhân đạo, tình yêu và thi ca. Ông chủ ý sử dụng lượng nguyên liệu tối thiểu. Và từ sự tính toán kinh tế này, nét trang nhã của dòng sản phẩm tối giản xuất hiện – gần như là một triết lý – các đường cong vòng mở rộng về phía trước tạo ra cảm giác tan biến của các vật thể.
Vì thế mà Starck đã phát triển dòng nội thất nhựa, mà một trong các sản phẩm mang tính biểu tượng của dòng này là chiếc ghế Louis Ghost (Kartell, 2002) mang nét thoải mái hiện đại đáng mơ ước với sự tinh thần hoá thiết yếu. Từ khi ra mắt, hơn một triệu mẫu ghế này đã được bán sạch. Ông cũng thiết kế các vật dụng trong nhà tắm cho Duravit, Hansgrohe, Hoesch, Axor, bàn chải cho Floucaril năm 1989 và loa Zikmu không dây, một chuỗi sản phẩm cho trẻ em và cả đồng hồ sóng vô tuyến RT201 (Thompson, 1999), chuột quang (Optical Mouse by Starck) cho Microsoft vào 2004. Bằng cách tạo ra các vật dụng tốt, mang tính nhân văn và thông minh đặt lên trước cái đẹp, Philippe Starck đã thể hiện thành công cuộc sống thường nhật của ta.

(Trích tiểu sử viết bởi Jonathan Wingfield, 2010)

 

TÁC PHẨM TIÊU BIỂU

Ghế Mademoiselle (2003) 

Đây là chiếc ghế với thiết kế đột phá một cách tài tình bằng cách kết hợp khuôn đúc nhựa phun trong suốt và công nghệ sử dụng vải mềm dày khác thường cho phần ghế ngồi, tạo ra sự thoải mái tối ưu và nâng cao chất lượng thẩm mỹ của sản phẩm. Tất cả các mẫu vải đều được Philippe Starck đích thân lựa chọn với 
hiệu ứng mới lạ khiến cho chiếc ghế Magdemoiselle này trở nên vô cùng sành điệu. 

Ghế Louis Ghost (2002) 

Chiếc ghế bành trong suốt này được tạo nên từ nhựa màu PC theo phong cách vua Louis 15. Nó là tinh hoa của phong cách baroque vừa thu hút lại mang nét vô cùng hào hứng. Louis Ghost là chiếc ghế vững vàng và bền, có thể chịu va đập và điều kiện thời tiết và có thể chất được tận sáu cái lên nhau. Chiếc ghế này mang trong mình nét duyên dáng và thu hút về mặt thẩm mỹ, phù hợp với bất cứ phong cách nhà ở hoặc khu vực công cộng nào. 

 

Ghế Masters (2009) 

Chiếc ghế bốn chân mảnh này vừa rộng rãi lại rất thoải mái, với phần lưng tựa độc đáo là điểm nhấn chính. Tính đặc thù của ghế có được từ sự đầy đặn và khoảng trống không gian tạo nên từ các đường cong vắt chéo của ba phần lưng tựa khác biệt gặp nhau tại cùng một điểm.

 

Ghế La Marie (1998) 

Đây là chiếc ghế nhựa PC một khuôn đúc trong suốt đầu tiên trên thế giới, La Marie là sự kết hợp tuyệt vời giữa cấu trúc chắc khoẻ và thiết kế thiết yếu để tạo ra một hình dáng chắc chắn nhưng nhìn lại nhẹ bẫng. Nó là sự kết hợp thiên tài giữa sự gọn nhẹ và mức độ chịu lực cao.

 

Ghế Bubble Club (2000) 

Chiếc ghế sofa làm từ nhựa polypropylene sơn phủ cả khối này là sản phẩm dẫn đầu cho ý tưởng nội thất mới. Bubble Club là một chiếc ghế rộng rãi chứa đủ hai người ngồi, đặc thù với phần để tay mềm mại trái ngược hẳn với phần lưng tựa vững chãi. Đây là thiết kế tối giản, làm gợi nhớ đến các “chiếc ghế của bà” và cực kỳ phù hợp với không gian gia đình ấm cúng.

Đồ vắt nước quả (Juicy salif, 1989) 

Sản phẩm này có chất liệu thép không gỉ, với hình dạng độc đáo đã tạo nên một cơn sốt đồ gia dụng nho nhỏ cho các bà nội trợ Mỹ lúc bấy giờ.

Ghế Dr. NO (1996) 

Chiếc ghế này nổi tiếng bởi sự kết hợp giữa tính tiện dụng 
và vẻ đẹp của nó. Nó là một chiếc ghế thoải mái, trang nhã, thực tế, dễ lau chùi và rất đa dạng về màu sắc. Chiếc ghế nhỏ xinh này nằm trong bộ sưu tập ghế 
cổ điển của Kartell.

 

 

 

Ghế Broom (2012) 

Đây là thành phẩm của sự hợp tác giữa Philippe Starck và công ty Emeco, chiếc ghế này có thể tái chế, tái sử dụng và được thiết kế để tồn tại lâu dài. Nó được tạo thành từ 75% nhựa polypropylene và 15% vụn gỗ mà thường người ta sẽ quét ra đống rác bỏ đi. Philippe Starck từng nói: “Một anh chàng cầm một cái chổi khiêm tốn lên để lau dọn nơi làm việc của mình và cùng với các hạt bụi đó anh tạo nên phép màu mới”. Đó là lý do tại sao chiếc ghế được đặt tên là Broom chair (ghế chổi).

 

 

Một số hình ảnh về các công trình kiến trúc đặc sắc khác  của Philippe Starck

Mama Shelter, Paris (2008)

 

Yoo Grammercy, New York (2008)

 

Nhà hàng Teatriz, Madrid (1988)

 

Nhà hàng sushi Katsuya Glendale, New York (2008)

 

Khách sạn Royalton, New York (1988)

 

Nhà hàng Kong, Paris (2003)

(sưu tầm) 

Các tin khác